Đóng

Tin tức

TP.HCM: Hơn 100 dự án bất động sản dừng triển khai

23/10/2022 Tin tức

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 09 tháng đầu năm 2022 và kiến nghị một số giải pháp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

HoREA đánh giá, thị trường bất động sản 09 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu dần phục hồi, trong đó điểm sáng là thị trường bất động sản công nghiệp và thị trường bất động sản logistics. Nhưng nhìn tổng thể thì thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân.

Trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ một số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật, thể hiện qua hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công hoặc do cổ phần hóa trước đây.

Chưa đến 17% nguồn cung ở phân khúc bình dân
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định thị trường bất động sản 9 tháng qua đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung – cầu, thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền.

Dẫn số liệu của Sở Xây dựng, HoREA cho biết, 9 tháng năm 2022 TP.HCM có 334 dự án huy động vốn với hơn 168.095 căn. Tong đó có đến 67.546 là căn hộ cao cấp có giá bán hơn 40 triệu đồng/m2, chiếm tỷ lệ hơn 40%; 72.194 căn hộ trung cấp, tỷ lệ gần 43%. Đáng chú ý chỉ có hơn 28.000 căn nhà bình dân, chưa được 17% tổng nguồn cung căn hộ trên địa bàn thành phố.

Dù tổng nguồn cung nhà ở trong 9 tháng năm 2022 đã có dấu hiệu dần hồi phục trở lại với 11.600 căn, tăng 70,5 % so với 09 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, HoREA đánh giá số lượng nhà ở này chỉ bằng 36% so với cùng kỳ năm 2017 – thời điểm thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

TP.HCM: Hơn 100 dự án bất động sản dừng triển khai

Thị trường bất động sản 9 tháng qua đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung – cầu, thiếu nhà ở bình dân

Hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn neo giữ mức giá cao do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo HoREA do có những người mua sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên sức chịu đựng có hạn đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể đành phải “xả hàng”, thậm chí chấp nhận bán cắt lỗ để bảo tồn phần vốn còn lại.

Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng 09 tháng đạt gần 11%, trong đó lĩnh vực bất động sản tăng 15,7% cao hơn mức bình quân, tăng 3,7% so với 03 tháng trước đó, chiếm 20,9% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng, tín dụng lĩnh vực bất động sản chủ yếu vào mục đích vay tự sử dụng (là tín dụng tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình vay để xây nhà, sửa nhà, mua nhà) tăng trưởng đến 20,1%. Trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án chỉ tăng trưởng có 7,35%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân 11% cho thấy các doanh nghiệp chủ đầu tư vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn trước đây.

Đề xuất gấp rút tháo gỡ cho 100 dự án đang “vướng”
Sau khi nêu những tồn tại trên thị trường, Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề từ nguồn vốn cho đến thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Trong đó, kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TP.HCM có 64 dự án, để tăng nguồn cung nhà ở.